Khẩn trương khởi công đường bộ cao tốc CT.08 đoạn qua Nam Định và Thái Bình

Khẩn trương khởi công đường bộ cao tốc CT.08 đoạn qua Nam Định và Thái Bình

UBND tỉnh Thái Bình đã, đang khẩn trương, tích cực chỉ đạo nhà đầu tư và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình.

Nguồn vật liệu cát san lấp phục vụ thi công dự án tuyến đường bộ cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Thái Bình và Nam Định vẫn là bài toán nan giải (ảnh minh họa). Ảnh: Nam Hồng
Nguồn vật liệu cát san lấp phục vụ thi công dự án tuyến đường bộ cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Thái Bình và Nam Định vẫn là bài toán nan giải.

Phấn đấu khởi công dự án vào tháng 11.2024

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120km/h. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 60,9km. Điểm đầu dự án tại Km19+300 tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định); điểm cuối tại khoảng Km80+200 tại nút giao giữa quốc lộ 37 và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình, đến nay, tại Thái Bình, công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đang được triển khai khẩn trương; trong đó đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn; hoàn thành việc lập thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư và phương án tài chính. Đồng thời, công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư cho dự án đang đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Về công tác GPMB, tỉnh Thái Bình cần phải thu hồi trên 448ha đất, gồm: Đất nông nghiệp 398ha, đất ở gần 9ha, đất khác trên 41ha.

Khẩn trương khởi công đường bộ cao tốc CT.08 đoạn qua Nam Định và Thái Bình
Hướng tuyến đường bộ cao tốc CT.08 đoạn qua tỉnh Thái Bình và Nam Định. Ảnh: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình.

Cát san lấp phục vụ thi công dự án vẫn là bài toán nan giải

Cũng theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình, hiện nay nhà đầu tư là Tập đoàn Geleximco đang chỉ đạo đơn vị tư vấn tiến hành khoan khảo sát 12 mỏ cát sông, 4 mỏ cát biển và tổng hợp kết quả khảo sát để báo cáo UBND tỉnh Thái Bình.

Tại cuộc họp mới nhất liên quan tình hình triển khai thực hiện dự án, ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị các sở, ngành, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cần tăng cường phối hợp với nhà đầu tư sớm giải trình những ý kiến tham gia của các bộ, ngành vào báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; thống nhất phương án bố trí các nút giao trên toàn tuyến.

Trên cơ sở quy hoạch các mỏ cát sông, cát biển hiện có, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư và đơn vị tư vấn khẩn trương tiến hành công tác khảo sát, thăm dò một số mỏ cát sông, cát biển; nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án; khẩn trương hoàn thành báo cáo tác động môi trường và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và nhà đầu tư xây dựng đường găng, mốc tiến độ triển khai dự án sát thực tế để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải; đồng thời chủ động tính toán, xây dựng hồ sơ mời thầu, nghiên cứu phương án thuê chuyên gia hỗ trợ trong triển khai thực hiện dự án. Phấn đấu khởi công dự án trong tháng 11.2024.

Về công tác GPMB, ông Nguyễn Khắc Thận đề nghị 2 huyện Kiến Xương và Thái Thụy khẩn trương hoàn thành công tác xác định diện tích GPMB và cắm mốc trên thực địa theo bình đồ hướng tuyến trong tháng 7.2024 cũng như khẩn trương bố trí khu đất tái định cư, triển khai các khu tái định cư cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Theo laodong.vn

Tư vấn nhà đất
chat-active-icon
chat-active-icon